Dị ứng thực phẩm là một trong những loại dị ứng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một số protein trong thực phẩm. Có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau do dị ứng thực phẩm gây ra, từ các triệu chứng nhẹ như phát ban và sưng môi đến các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, thường được gọi là sốc phản vệ, có thể liên quan đến các vấn đề hô hấp và sốc gây tử vong.
Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ghi nhãn Chất gây dị ứng Thực phẩm và Bảo vệ Người tiêu dùng năm 2004 (Food Allergen Labeling and Consumer Protection Act of 2004) (FALCPA), FALCPA đã xác định 8 loại thực phẩm, nhóm thực phẩm gây dị ứng như sữa, trứng, cá, động vật có vỏ giáp xác, các loại hạch, đậu phộng, lúa mì và đậu nành. Theo Đạo luật FASTER (Food Allergy Safety, Treatment, Education, and Research) năm 2021, mè đang được thêm vào làm chất gây dị ứng thực phẩm chính thứ 9 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2023. Bên cạnh 9 nhóm thực phẩm gây dị ứng được nêu trên, một số thành phần mẫn cảm khác gây dị ứng cũng được kể đến như Gluten (được tìm thấy trong một số loại ngũ cốc) hay màu và phụ gia thực phẩm (như FD&C Yellow 5, được tìm thấy rộng rãi trong đồ uống, món tráng miệng, rau chế biến, thuốc, đồ trang điểm,…)
Để đảm bảo sức khoẻ của người dân trước tình trạng dị ứng thực phẩm, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã thực thi các quy định, yêu cầu các công ty liệt kê các thành phần thực phẩm hoặc nước uống trên bao bì, nhãn mác. Người tiêu dùng có thể thấy nội dung cảnh báo trên bao bì sản phẩm như “có thể chứa [chất gây dị ứng] hoặc“ được sản xuất tại cơ sở sử dụng [chất gây dị ứng].” Một sản phẩm thực phẩm chứa bất kỳ chất gây dị ứng nào bắt buộc phải được liệt kê và nhấn mạnh trong bảng thành phần. Điều này cho phép người tiêu dùng hiểu thêm về các thành phần trong thực phẩm và cân nhắc kỹ trước khi sử dụng những sản phẩm có thành phần có thể gây dị ứng hoặc không dung nạp.
FDA đã cung cấp, hướng dẫn cho các nhà sản xuất thực phẩm, người tiêu dùng cũng như các bên liên quan về những cách tốt nhất để đánh giá và quản lý các nguy cơ gây dị ứng trong thực phẩm. Họ cũng tiến hành lấy mẫu để kiểm tra xem các chất gây dị ứng thực phẩm có được dán nhãn phù hợp trên sản phẩm hay không và để xác định xem các cơ sở thực phẩm có thực hiện các biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa tiếp xúc chéo với chất gây dị ứng và kiểm soát nhãn mác để ngăn chặn chất gây dị ứng không được khai báo trong quá trình sản xuất và đóng gói. Khi phát hiện có vấn đề, FDA làm việc với các hãng để thu hồi sản phẩm và thông báo công khai để cảnh báo ngay cho người tiêu dùng. Ngoài ra, FDA có quyền thu giữ và loại bỏ các sản phẩm vi phạm khỏi thị trường hoặc từ chối nhập khẩu các sản phẩm nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp không tuân thủ hoặc chưa nắm rõ các quy định về hồ sơ và yêu cầu ghi nhãn lưu thông trên thị trường đã khai báo sản phẩm không đúng quy định, điều này khiến doanh nghiệp bị xử phạt khi có cơ quan thanh tra kiểm tra, buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm. Một số trường hợp đã bị CTSI (Chartered Trading Standards Institute) thu hồi sản phẩm và thông báo an toàn vì những sản phẩm này có vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người tiêu dùng. Kể đến như sản phẩm Co-op – Chilli and Lime Protein Crunch bị thông báo thu hồi toàn bộ sản phẩm vì chứa thành phần sữa mà không dán nhãn cảnh báo trên bao bì, hay sản phẩm Ben & Jerry’s Moo-phoria Peanut Butter Cookie Dough có chứa thành phần đậu phộng gây dị ứng. Với những thiệt hại của việc không tuân thủ những quy định về nhãn dán đối với những chất gây dị ứng trong thực phẩm, hành động cảnh báo các chất gây dị ứng trong bảng thành phần trên bao bì nhãn dán là thực sự cần thiết đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.